Nhiều sai sót trong quy trình tiêm văcxin ở các tỉnh  

Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ
Khoảng 30 tỉnh báo cáo về Bộ Y tế là đạt yêu cầu quy trình bảo quản, nhân sự tiêm chủng, tuy nhiên nhiều nơi còn sai sót như tủ lạnh bảo quản văcxin hay nhiệt kế theo dõi hỏng, nhân viên chưa nắm vững cấp cứu khi có sốc phản vệ... 

Cuối tháng 5, Bộ Y tế đã yêu cầu thanh tra y tế tất cả tỉnh thành đều phải tiến hành kiểm tra tại các điểm tiêm chủng. Hiện có khoảng 30 nơi đã gửi báo cáo phản hồi. Theo đó, đa số các cơ sở đều đạt yêu cầu về nhân sự, dây chuyền lạnh bảo quản, cán bộ tiêm chủng được tập huấn, khám tư vấn sàng lọc trước tiêm…

Một số tỉnh vẫn tồn tại sai sót như Nam Định có một số trạm y tế hộp thuốc chống sốc chưa đủ chủng loại, số lượng. Tại một số cơ sở tiêm chủng, nhân viên chưa nắm vững cách cấp cứu khi xảy ra sốc phản vệ. Số lượng trẻ đến tiêm quá đông, tư vấn bị hạn chế, chưa đảm bảo theo dõi sau tiêm đủ 30 phút, kỹ thuật tiêm chưa đúng còn sát trùng sau tiêm chủng, kỹ thuật tiêm chưa thuần thục…

Ở Quảng Ninh, tủ lạnh TCW 3000 để bảo quản văcxin  tại một số trung tâm y tế có biểu hiện trục trặc kỹ thuật. Nhiệt kế theo dõi nhiệt độ văcxin tại các trạm y tế bị hỏng khá nhiều nhưng chưa được thay thế. Có xã hiện chỉ có 1 nhiệt kế còn sử dụng.

Tiêm chủng mở rộng nằm trong mục tiêm chủng bắt buộc theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Mục đích là bảo vệ trẻ và cả cộng đồng, vì nếu trẻ được tiêm phòng không mắc bệnh thì không có điều kiện để bệnh đó lây ra cộng đồng. Cha mẹ, người bảo hộ trẻ có trách nhiệm phải đưa con trong diện tiêm chủng đến các địa điểm để tiêm chủng. Ngành y tế có nhiệm vụ tổ chức buổi tiêm cho tốt, thuận lợi với người dân.

Hiện Việt Nam đã triển khai tiêm chủng miễn phí 11 loại văcxin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, độ phủ tới 100% tỉnh thành trên cả nước. Các bệnh được ngừa gồm lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, sởi, bại liệt, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn và bệnh do vi khuẩn Hib. 10/11 loại bệnh phòng ngừa bằng văcxin sản xuất trong nước. Văcxin Hib hiện Việt Nam chưa sản xuất được. Số lượng văcxin hàng năm sử dụng trong chương trình là khoảng 35-40 triệu liều, kể cả văcxin trong nước và nhập khẩu, với kinh phí chừng 240 tỷ đồng.

Báo cáo của Ban chủ nhiệm chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho thấy, trong số 11 loại đang tiêm cho 1,7 triệu trẻ Việt Nam mỗi năm, gần đây ghi nhận 2 loại liên quan nhiều đến tai biến tử vong là văcxin Quinvaxem và viêm gan B. Còn 9 loại khác hầu như không có tai biến nặng.

Theo số liệu của Tổng cục Dân số, Bộ Y tế năm 2012, tỷ xuất chết của trẻ dưới 1 tuổi là 15,8/1.000 trẻ đẻ sống. Như vậy trong số 1,2 triệu trẻ đẻ ra có khoảng 50 trẻ dưới một tuổi tử vong hàng ngày trên cả nước. Giáo sư Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc tiêm văcxin cho trẻ dưới 1 tuổi kể cả tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh thì sự trùng hợp ngẫu nhiên của việc tiêm văcxin với trẻ tử vong hàng ngày ở Việt Nam có tần xuất rất cao.


Hiện 10 trong 11 loại văcxin sử dụng trong tiêm chủng mở rộng được sản xuất trong nước. Ảnh minh họa: Dương Ngọc.
 
Nhắc đến vụ việc 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị chết sau khi tiêm văcxin viêm gan B chưa rõ nguyên nhân, Cục trưởng Y tế dự phòng, tiến sĩ Nguyễn Văn Bình thừa nhận ca tai biến nghiêm trọng nhất trong vòng 25 năm qua này khiến người dân rất lo lắng, ngay cả cán bộ y tế, một số bệnh viện ngừng tiêm văcxin viêm gan B mũi sơ sinh. Tuy nhiên ông nói: "Ngừng tiêm văcxin viêm gan B là sai, vì chỉ dừng 2 lô liên quan đến trẻ chết ở Quảng Trị. Việc bệnh viện yêu cầu người nhà ký cam kết trước khi tiêm cho trẻ như ở TP HCM cũng không cần thiết". 

Một nghiên cứu của Hệ thống quốc gia báo cáo các tai biến sau tiêm văcxin viêm gan B của Mỹ đã xác nhận, trong số 86 triệu liều văcxin viêm gan B  tái tổ hợp đã tiêm từ năm 1991 đến 1998 có 18 trẻ đã tử vong liên quan đến văcxin. Năm 1993 có 7 trẻ tử vong sau tiêm, năm 1996 có 6 trẻ tử vong sau tiêm. 17 trẻ được mổ tử thi và hầu hết đều được kết luận do hội chứng đột tử không liên quan đến tiêm văcxin viêm gan B.

Bàn về việc Việt Nam có nên thay thế văcxin thế hệ cũ hiện nay bằng thế hệ mới, ông  Bình cho rằng thế hệ văcxin mới - vô bào ít gây ra những phản ứng phụ. Nhưng hiện nay có nhiều nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế cho rằng khả năng sinh miễn dịch của thế hệ vô bào kém hơn toàn tế bào. 

"Việt Nam hướng tới sử dụng các văcxin thế hệ mới nhưng cần tính toán thời điểm, điều kiện kinh tế xã hội, quan trọng là căn cứ vào tình hình dịch tễ hiện tại để có chỉ định cho phù hợp. Giá cả là một vấn đề nhưng không phải tất cả”, tiến sĩ Bình nói.

Theo tiến sĩ Bình, phải mất 5-7 năm, thậm chí hàng chục năm thì một loại văcxin mới có thể được đưa ra sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Nó phải qua rất nhiều các bước kiểm định: trên phòng, người tình nguyện, sau đó là thử nghiệm trên cộng đồng nhỏ, rồi lớn. Từng vòng đều có hội đồng khoa học đánh giá. Quy trình kiểm nghiệm chặt chẽ nên không thể có văcxin nào gây chết người mà vẫn được đưa ra sử dụng. Tuy nhiên, mỗi loại gây ra những phản ứng có thể khác nhau. 

"Không phải cứ văcxin toàn tế bào - thế hệ cũ, là có hại. Chính thế hệ văcxin đó đã được sử dụng tại Việt Nam hơn 25 năm nay qua và đem lại nhiều thành tựu to lớn. Các bệnh viện trước đây la liệt những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm như sởi, bại liệt, bạch hầu; nhiều năm nay hầu như không còn, tỷ lệ bệnh ở trẻ trong diện tiêm chủng còn rất thấp", tiến sĩ Bình cho biết thêm.
Cập nhật: 01/08/2013
Lượt xem: 2283
Lên trên